Đội ngũ cán bộ thư viện công cộng: thực trạng và giải pháp xây dựng và nâng cao chất lượng | ||
Ngôn ngữ tài liệu | : | Việt Nam |
Tác giả | : | ThS. Nguyễn Thị Thanh Mai |
Tên nguồn trích | : | Thông tin tư liệu |
Dữ liệu nguồn trích | : | 2009/Số 1/Nghiên cứu - Trao đổi |
Nêu các yêu cầu mới của thời đại đối với hoạt động thư viện. Khái quát hiện trạng đội ngũ cán bộ trong hệ thống thư viện công cộng ở nước ta và đề xuất các biện pháp xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện trong thời kỳ hội nhập.
| ||
Nội dung: | ||
Công nghệ thông tin và truyền thông phát triển mạnh mẽ đang làm biến đổi sâu sắc nhiều mặt củađời sống kinh tế-xã hội trong đó có lĩnh vực thư viện. Trước đây, người ta quan niệm thư viện là nơi thu thập, tàng trữ, bảo quản di sản văn hóa bằng chữ viết, nên đã nhấn mạnh các chức năng văn hóa, giáo dục và giải trí của thư viện. Hiện nay, việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông trong lĩnh vực thư viện đang tác động mạnh mẽ đến nghề thư viện và người làm công tác thư viện, làm thay đổi quan niệm truyền thống về những nội dung này. Tuyên ngôn về thư viện công cộng năm 1994 của UNESCO đã nhấn mạnh chức năng mới cũng như mô hình phát triển trong tương lai của thư viện công cộng như sau: “Các thư viện công cộng là trung tâm thông tin ở địa phương, giúp người sử dụng tiếp cận với các nguồn tin tri thức và thông tin dưới bất kỳ dạng thức nào”.
Để đáp ứng yêu cầu mới của thời đại, của mô hình thư viện như trên, UNESCO cũng đã nhấn mạnh: “Các cán bộ thư viện là người môi giới tích cực giữa người dùng và nguồn lực. Việc đào tạo nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ thư viện là đòi hỏi tất yếu để nâng cao trình độ phục vụ”. Tuy nhiên, tại thời điểm này, với sự ra đời của kỷ nguyên số, sự hiện hữu của thư viện điện tử, các chuyên gia thông tin-thư viện thế giới đã dự báo: Xu thế giảm sự truy cập có hướng dẫn đến nội dung là một trong những yếu tố tác động đến vai trò của các cơ quan thông tin-thư viện cũng như người cán bộ thư viện. Sự tác động đó làm cho vai trò của vật mang tin sẽ gần như không còn, nghĩa là làm giảm đi vai trò của người cán bộ thông tin-thư viện. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành thư viện Việt Nam hiện nay - đang ở giai đoạn phát triển kết hợp giữa mô hình thư viện truyền thống với thư viện hiện đại - thư viện điện tử (trong đó mô hình thư viện truyền thống vẫn giữ vai trò chủ đạo, đặc biệt là trong hệ thống thư viện công cộng), thì vật mang tin truyền thống vẫn còn giữ nguyên giá trị, và như vậy, người cán bộ thư viện với vai trò là người hướng dẫn người dùng truy cập tới các nguồn tin thông qua các dịch vụ của thư viện, vẫn hết sức cần thiết và không thể thiếu trong các thư viện. Với ý nghĩa đó, bài viết này đề cập đến hiện trạng đội ngũ cán bộ thư viện trong Hệ thống thư viện công cộng (cấp tỉnh và huyện) và một số giải pháp xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán thư viện, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước, của ngành. Hiện nay, Hệ thống thư viện công cộng nước ta bao gồm Thư viện Quốc gia Việt Nam, 64 thư viện cấp tỉnh, 613 thư viện cấp huyện / 682 đơn vị hành chính cấp huyện và gần 2000 thư viện cấp xã (chỉ tính những thư viện cấp xã đạt tiêu chuẩn theo quy định của Thông tư số 56/2003/TT-BVHTT ngày 16 tháng 9 năm 2003 của Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) “Hướng dẫn chi tiết về điều kiện thành lập thư viện và thủ tục đăng ký hoạt động thư viện” với tổng số gần 2.500 cán bộ. Số lượng biên chế và trình độ, chuyên ngành đào tạo ở từng cấp thư viện như sau: - Thư viện cấp tỉnh (khoảng 1.500 cán bộ): Ngoại trừ Thư viện Quốc gia VN (gần 190 người) và Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh (gần 120 người), các thư viện còn lại hầu hết trung bình có 15 - 20 cán bộ, thư viện tỉnh Bắc Kạn có số cán bộ thấp nhất là 6 người. Số cán bộ trình độ đại học đạt tỷ lệ 72%, trong đó, số tốt nghiệp đại học chuyên ngành thư viện chiếm 84%, tốt nghiệp các chuyên ngành khác- 16%; trình độ sau đại học- 6% và trình độ trung cấp- 22%. - Thư viện cấp huyện (có khoảng 900 cán bộ): Trung bình có 1,5 cán bộ/thư viện cấp huyện. Trình độ đào tạo: 40% trình độ đại học (chủ yếu được đào tạo tại chức), còn lại là trình độ trung cấp hoặc tương đương, trong đó chỉ có 45 % được đào tạo chuyên ngành. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ viên chức trong hệ thống thư viện công cộng được đào tạo cơ bản, tiếp cận được những vấn đề mới, hiện đại của ngành; có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn về tổ chức và hoạt động của thư viện truyền thống khá vững vàng và vận dụng khá thành thạo vào điều kiện cụ thể của từng thư viện. Các hoạt động thư viện được tổ chức hợp lý, vận hành suôn sẻ từ khâu xây dựng, xử lý kỹ thuật, nội dung vốn tài liệu, ... đến tổ chức các sản phẩm, dịch vụ phục vụ người sử dụng. Cán bộ thư viện có lòng yêu nghề, say mê, tận tụy với công việc, an tâm công tác, ít bị các hiện tượng tiêu cực bên ngoài tác động. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ thư viện của Hệ thống thư viện công, trước yêu cầu phát triển mới, đã bộc lộ một số hạn chế, đáng kể nhất là chưa được trang bị kịp thời, đầy đủ, có hệ thống các kiến thức về thông tin, tin học và các kỹ năng ứng dụng CNTT, sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, ... vào hoạt động thư viện. Chẳng những thế, hơn 80% cán bộ được đào tạo chuyên ngành thư viện được trang bị chủ yếu chỉ những kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn, về tổ chức và hoạt động của thư viện truyền thống. Cán bộ được đào tạo ở các ngành khoa học khác, đặc biệt là về CNTT, chiếm tỷ lệ khá thấp. Trong khi đó, yêu cầu xử lý nội dung các tài liệu khoa học nhất là khoa học công nghệ phục vụ cho phát triển kinh tế khá lớn, đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên ngành thư viện lại không thể đáp ứng được. Ngoài ra, rất ít cán bộ (đặc biệt là ở các thư viện tỉnh, thành phố) có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong việc xử lý, khai thác và phục vụ bạn đọc các tài liệu tiếng nước ngoài. Trong điều kiện mở cửa, hội nhập khu vực và quốc tế, số lượng bạn đọc sử dụng thành thạo tiếng nước ngoài tăng nhanh, trong khi trình độ ngoại ngữ của cán bộ thư viện lại chưa tương xứng. Những hạn chế này của đội ngũ cán bộ là một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm khả năng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng thư viện, cũng như hiệu quả phục vụ của thư viện. Từ thực trạng nói trên, để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện, đáp ứng yêu cầu phát triển thư viện trong thời kỳ mới, chúng tôi cho rằng, công tác bồi dưỡng, đào tạo lại, đào tạo tiếp tục đội ngũ cán bộ thư viện hiện nay phải được coi là giải pháp then chốt. Để triển khai công tác này, chúng tôi xin đề xuất một số nội dung sau: Một là, phải phân loại đối tượng đào tạo, bồi dưỡng: Đối tượng đào tạo bồi dưỡng chủ yếu hiện nay trong hệ thống thư viện gồm: cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ và cán bộ công nghệ. Trong mỗi đối tượng lại phân chia thành từng cấp (cấp tỉnh, huyện và cơ sở). Mỗi đối tượng, do có chức năng, nhiệm vụ và mức độ yêu cầu về chuyên môn quản lý và chuyên môn nghiệp vụ khác nhau, nên về mặt tổ chức, không thể thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng chung cho toàn hệ thống, mà cần có sự chỉ đạo thống nhất và phân cấp để tránh chồng chéo lãnh phí. Hai là, phải thiết kế chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho từng đối tượng phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển của hoạt động thư viện nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng. - Với đối tượng là cán bộ quản lý thư viện: hiện cán bộ quản lý còn thiếu kiến thức pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, kiến thức về tổ chức, quản lý thư viện hiện đại trong xu thế tự động hóa, số hóa các hoạt động thư viện. Do vậy, nội dung chương trình đào tạo cần đáp ứng được các yêu cầu sau: + Cung cấp cho cán bộ quản lý thư viện kiến thức tổng hợp gồm kiến thức mới trong quản lý, điều hành thư viện, tạo cho họ khả năng kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực tế tổ chức và quản lý thư viện truyền thống và thư viện hiện đại, khả năng thích ứng với xu thế phát triển của xã hội và của ngành; trang bị cho cán bộ lãnh đạo trình độ và thực tế chính trị để vận dụng đường lối của Đảng và Nhà nước vào hoạt động văn hóa nói chung và trong hoạt động thư viện nói riêng; + Cung cấp kiến thức quản lý thông tin-thư viện trong nền kinh tế thị trường, tạo khả năng tiếp cận và vận dụng sáng tạo tri thức mới để tổ chức hoạt động thư viện, biết sử dụng phương tiện hiện đại trong hoạt động chuyên môn cũng như trong quản lý. - Với đối tượng là cán bộ chuyên môn: cần giúp họ nâng cao năng lực khai thác, tổng hợp và kiến tạo sản phẩm thông tin, tổ chức dịch vụ thư viện. Trang bị kỹ năng sử dụng máy tính, khai thác thông tin trên Internet, ... Phải coi đây là một yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ thư viện. Để có được những kỹ năng này, trước mắt, cần phổ cập chương trình tin học cơ bản cho toàn thể cán bộ thư viện, nhất là cán bộ thư viện cấp huyện, làm tiền đề cho những năm tiếp theo. Ngoài ra, các thư viện tỉnh cần cố gắng thu hút cán bộ chuyên sâu về tin học, cán bộ chuyên ngành khác, mỗi thư viện phải có ít nhất 1 cán bộ trình độ cử nhân về ngoại ngữ (tiếng Anh). Các thư viện chủ động bồi dưỡng cho các đối tượng này về nghiệp vụ thư viện. Việc xây dựng các chương trình đảm bảo các yêu cầu trên cho mỗi đối tượng là không dễ dàng, cần có sự đầu tư thích đáng về trí tuệ, vật chất và tổ chức khoa học, nghĩa là, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Vụ Thư viện, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hội Thư viện Việt Nam,…. Ba là, hình thức và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng: chú trọng đào tạo lại và đào tạo tiếp tục bằng hình thức tập trung ngắn hạn hoặc tại chức. Đặc biệt, phải đưa việc đào tạo lại trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ thư viện, thậm chí đưa thành tiêu chuẩn điều kiện để thực hiện lên lương theo định kỳ. Bốn là, phải tổ chức hệ thống đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nội dung và đối tượng đào tạo. Hệ thống đào tạo phải đảm bảo cả tính thống nhất lẫn tính phân cấp, phân công rạch ròi. Các cán bộ quản lý của các thư viện tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước tại các trường chính trị của tỉnh; được cập nhật kiến thức mới, văn bản mới trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thư viện, cập nhật kiến thức quản lý thông tin-thư viện tại các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức theo định kỳ. Cán bộ chuyên môn và công nghệ được trang bị kiến thức mới về chuyên môn nghiệp vụ do Hội Thư viện Việt Nam tổ chức. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện gắn bó chặt chẽ với việc đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập ở các trường đào tạo nghề thư viện. Những năm gần đây, ở các trường này đã có nhiều thay đổi về nội dung chương trình giảng dạy. Hy vọng rằng, cùng với sự tiếp tục đổi mới và hoàn thiện của các chương trình này đội ngũ cán bộ thư viện sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành, của xã hội trong tương lai. |