Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Thế mạnh kinh tế Cà Mau

Thế mạnh phát triển kinh tế Cà Mau 
VEN - 12/10/2011 15:46 

(VEN) - Cà Mau nằm trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, giữ vai trò quan trọng trong quá 
trình phát triển kinh tế của cả vùng. Bên cạnh những lợi thế do điều kiện tự nhiên mang lại, 
Cà Mau đang thực hiện rất nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy sản 
xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh. 



Thế mạnh kinh tế biển 
    Cà Mau có điều kiện tự nhiên thuận lợi và có tiềm năng lớn về thủy sản, với chiều dài bờ biển trên 254km, diện tích ngư trường khoảng 70.000km 2 , có trữ lượng lớn và phong phú về chủng loài; Diện tích nuôi trồng 
thủy sản trên 270.000ha (trong đó diện tích nuôi tôm khoảng 240.000ha), có nhiều tiềm năng phát triển nuôi 
sinh thái và nuôi công nghiệp với quy mô lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2011, thủy sản xuất khẩu của Cà Mau 
đạt 39.700 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2010, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 381 triệu USD, tăng 
26% so với cùng kỳ năm trước, bằng 41% so với kế hoạch năm. Hiện nay, hàng thủy sản xuất khẩu của Cà 
Mau có mặt ở hơn 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thị trường xuất khẩu chính là: Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc, Australia… 
   Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau đã quy hoạch đầu tư phát triển kinh tế các cửa biển lớn giai đoạn 2011-2015 và hướng tới năm 2015-2020. Những cửa biển lớn như Sông Đốc, Bồ Đề, Khánh Hội… sẽ là trung tâm kinh tế, chủ yếu là kinh tế biển. Trước mắt, tỉnh Cà Mau sẽ đầu tư 1.000 tỷ đồng để phát triển thị trấn Sông Đốc thuộc huyện Trần Văn Thời thành đô thị loại III vào năm 2015. Đây là cửa biển lớn nhất tỉnh Cà Mau, có số dân lên tới gần 40.000 người, có đoàn tàu khai thác thủy sản gần 3.000 chiếc với hàng chục ngàn ngư phủ. Hiện nay, cửa biển Sông Đốc đã phát triển rất mạnh các loại hình dịch vụ nghề cá, bao gồm nhà máy chế biến tôm đông lạnh, chế biến bột cá, nhà máy sản xuất nước đá, hệ thống đại lý phân phối nhiên liệu, vật tư. Cửa biển Khánh Hội thuộc huyện U Minh là cửa biển lớn thứ hai sau cửa biển Sông Đốc. Tại đây hiện có đoàn tàu khai thác thủy sản gần 1.000 chiếc, với gần 10.000 ngư dân, trên đất liền cũng đã phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá, do đó tỉnh Cà Mau sẽ đầu tư phát triển Khánh Hội thành đô thị kinh tế biển. 

   Ngoài thế mạnh về thủy sản, Cà Mau còn có tiềm năng về tài nguyên rừng, khoáng sản. Diện tích lâm phần hiện nay khoảng trên 100.000ha, hàng năm cho phép khai thác từ 120.000-150.000 m 3 gỗ làm nguyên liệu 
cho công nghiệp chế biến. Về khoáng sản, vùng biển Cà Mau có tiềm năng lớn về khí đốt, trữ lượng khoảng 
170 tỷ m 3 , là cơ sở để phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng khí tự nhiên như điện, đạm, luyện kim và một số ngành sử dụng khí thấp áp khác. Đẩy mạnh thu hút đầu tư Cà Mau thuộc vùng kinh tế trọng điểm, có vị trí chiến lược kinh tế quan trọng trong khu vực ĐBSCL, là cầu nối với nhiều nước khu vực Đông Nam Á. Những năm qua, nhằm tạo điều kiện cho các DN đến địa phương đầu tư, Cà Mau đã thực hiện các chính sách về ưu đãi đầu tư. Cụ thể, Cà Mau đã tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, lưới điện và các hạ tầng kỹ thuật khác. Tỉnh đã chủ động xây dựng các khu, cụm công nghiệp, tạo ra quỹ đất sạch để các nhà đầu tư có điều kiện xây dựng các nhà máy. Công tác cải cách thủ tục hành chính cũng được quan tâm đặc biệt. Môi trường đầu tư ở Cà Mau ngày càng hoàn thiện và thông thoáng hơn, thông qua việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các ngành, địa phương liên quan đến các DN; thường xuyên tổ chức đối thoại với các DN, nhà đầu tư nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc; quy chế một cửa liên thông được triển khai thực hiện hầu hết ở các sở, ban, ngành và UBND các cấp, trình tự thủ tục được niêm yết công khai, minh bạch, giúp các DN thuận lợi khi thực hiện các thủ tục trong quá trình hợp tác. Tỉnh cũng đã ban hành Đề án thu hút đầu tư đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, xem đây là giải pháp phát triển KT-XH của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nâng cao nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển, trong đó quan tâm đến nhu cầu phục vụ cho các doanh nghiệp; quan tâm đào tạo cán bộ trình độ cao bổ sung cho các ngành, các cấp trong tỉnh... 
   Cùng với Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư 
xây dựng, hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành ba khu công nghiệp là Hòa Trung, Năm Căn và Sông 
Đốc với tổng diện tích quy hoạch là 1.477ha. Đồng thời, Chính phủ đã chấp nhận chủ trương quy hoạch 
đầu tư khu kinh tế mở Năm Căn (huyện Năm Căn) với diện tích 11 ngàn ha. Đây là những điều kiện 
thuận lợi để Cà Mau tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới./. 
Trọng Hải-Văn Trường